PHÂN TÍCH TÌNH HÌNH SỬ DỤNG THUỐC TẠI BỆNH VIỆN LÊ VĂN THỊNH NĂM 2021

Thy Nhạc Vũ Hoàng 1,2,, Anh Duyên Trần 1, Phước Thành Nhân Lê 2, Văn Khanh Trần 2
1 Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh
2 Bệnh viện Lê Văn Thịnh

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Mục tiêu: Lựa chọn thuốc là một bước quan trọng trong quá trình xây dựng danh mục thuốc, góp phần đảm bảo chất lượng cho công tác khám chữa bệnh tại bệnh viện. Nghiên cứu được thực hiện nhằm khảo sát tình hình sử dụng thuốc tại bệnh viện Lê Văn Thịnh trong năm 2021. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang, được thực hiện thông qua việc hồi cứu dữ liệu liên quan đặc điểm danh mục thuốc, số lượng thuốc được sử dụng, phân nhóm thuốc theo ABC/VEN, chi phí sử dụng thuốc tại bệnh viện Lê Văn Thịnh trong năm 2021. Kết quả: Trong năm 2021, bệnh viện Lê Văn Thịnh đã sử dụng 1758 thuốc cho hoạt động khám chữa bệnh nội trú và ngoại trú, liên quan đến 1024 hoạt chất, 29 nhóm dược lý, với tổng chi phí sử dụng thuốc là 189,4 tỷ đồng. Bốn nhóm thuốc có chi phí sử dụng lớn trong năm 2021 tại bệnh viện là nhóm thuốc tim mạch; nhóm thuốc điều trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn; hocmon và các thuốc tác động vào hệ thống nội tiết; thuốc đường tiêu hóa, với tỉ lệ lần lượt là 27,4%; 15,0%; 14,3%; 9,7%. Thuốc sử dụng tại bệnh viện năm 2021có xuất xứ từ 44 quốc gia khác nhau, trong đó, thuốc Việt Nam chiếm 48,2%, số lượng thuốc và 39,4% ngân sách của bệnh viện. Theo phân loại ABC/VEN, tỉ lệ phân bố của các thuốc trong các nhóm 1, 2, 3 lần lượt là 53,5%; 45,5%; 1,0%. Kết luận: Các thông tin về tình hình sử dụng thuốc thu được từ nghiên cứu giúp bệnh viện có căn cứ để đánh giá chất lượng của việc mua sắm và sử dụng thuốc, từ đó, có thể điều chỉnh về số lượng và chủng loại thuốc khi thực hiện dự trù, mua sắm trong những năm tiếp theo, đảm bảo phù hợp hơn với nhu cầu thực tế, hướng đến tối ưu hóa chất lượng hoạt động mua sắm và sử dụng ngân sách tại bệnh viện.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Y tế (2015), “Chiến lược Quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015 – 2025”.
2. Huỳnh Như, Cù Thanh Tuyền, Hoàng Thy Nhạc Vũ (2017), “Đặc điểm danh mục thuốc tân dược được sử dụng tại bệnh viện Phú Nhuận giai đoạn 2012-2017”, Tạp chí Y học Thành phố Hồ Chí Minh, phụ bản tập 21, số 5, trang 135-141.
3. Nguyễn Cẩm Vân, Cao Thị Bích Ngọc, Nguyễn Trung Hà (2021), “Phân tích danh mục thuốc sử dụng tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 năm 2020”, Tạp chí Y Dược lâm sàng 108, tập 16, số đặc biệt 11/2021, trang 81-89.
4. Nguyễn Thị Nhung, Nguyễn Thị Thanh Hương (2021), “Phân tích cơ cấu danh mục thuốc sử dụng tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương giai đoạn 2019-2020”, Tạp chí Y học Việt Nam, tập 501, số 1, trang 140-144.
5. Nguyễn Thị Thu Phương, Vũ Tuấn Cường, Ngô Thị Quỳnh Mai, Nguyễn Thị Lan Anh (2021), “Tính hợp lý trong việc xây dựng danh mục và cung ứng thuốc thông qua các chỉ số sử dụng thuốc tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng năm 2020”, Tạp chí Y học Dự phòng, tập 31, số 5, trang 185-192.
6. Nguyễn Đức Trung, Nguyễn Hồng Châu, Nguyễn Thị Thanh Hương (2021), “Phân tích cơ cấu thuốc sử dụng tại Trung tâm Y tế huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang năm 2019”, Tạp chí Y học Việt Nam, tập 499, số 1-2, trang 169-173.
7. Trần Thị Ngọc Vân, Cù Thanh Tuyền, Đặng Kim Loan, Hoàng Việt, Trình Minh Hiệp, Hoàng Thy Nhạc Vũ (2019), “Mô tả tình hình sử dụng thuốc tại bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011-2017”, Tạp chí Y Dược học Quân sự, tập 23, số 2, trang 21-29.
8. International Diabetes Federation, 2021, IDF Diabetes Atlas 10th edition 2021.