ĐẶC ĐIỂM HÌNH THÁI CỦA PHỨC HỢP RĂNG NƯỚU VÀ MỨC ĐỘ TỤT GAI NƯỚU CỦA VÙNG RĂNG TRƯỚC HÀM TRÊN

Quang Khiêm Đỗ 1, Thu Thủy Nguyễn 1,
1 Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Mục tiêu: Phức hợp răng nướu (PHRN) bao gồm nướu, khe nướu, bám dính biểu mô – bám dính mô liên kết trong đó hai thành phần sau tạo thành khoảng sinh học (KSH) là một thành phần được quan tâm trong nha khoa. Việc bảo tồn phức hợp này và vùng gai nướu luôn là mối quan tâm hàng đầu với bác sĩ lâm sàng. Mục tiêu của nghiên cứu này là khảo sát các đặc tính của phức hợp răng nướu và mối tương quan giữa phức hợp này với mức độ tụt gai nướu ở vùng răng trước hàm trên bằng phim chụp cắt lớp chùm tia hình nón (Conebeam Computed Tomography – CBCT), lâm sàng và máy quét 3D trong miệng. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang mô tả, 196 răng trong vùng răng trước hàm trên bao gồm răng nanh hai bên, răng cửa bên hai bên, răng cửa giữa hai bên trên 32 tối tượng nghiên cứu từ 18-40 tuổi được quét 3D trong miệng và chụp phim CBCT với cây banh miệng và côn gutta-percha (GP) đặt trong khe nướu. Ghi nhận các thông số đo đạc: khoảng cách (KC) từ nướu viền đến mào xương ổ, bề dày bản xương ổ tại vị trí mào xương ổ răng (XOR), khoảng cách từ đường nối men xê măng (CEJ) đến bờ nướu viền, bề dày trung bình của viền nướu, bề dày khoảng sinh học, khoảng cách từ điểm tiếp xúc đến mào xương ổ giữa hai răng kế cận, chiều cao trung bình nướu sừng hóa, tỷ lệ tụt gai nướu và mối tương quan giữa các biến số trên với mức độ tụt gai nướu ở vùng răng trước hàm trên ở đối tượng từ 18-40 tuổi. Kết quả: Khoảng cách từ mào xương ổ đến nướu viền: 3,25 ± 0,63 mm, bề dày bản xương ổ tại vị trí mào xương: 0,76 ± 0,35 mm, khoảng cách từ CEJ đến nướu viền: 1,25 ± 0,76 mm, bề dày của nướu viền ở nam giới 0,71 ± 0,12 mm và ở nữ giới 0,64 ± 0,16 mm, chiều cao nướu sừng hóa: 5,5 ± 1,5 mm, khoảng sinh học: 2,17 ± 0,68 mm khoảng cách từ tiếp xúc đến mào xương ổ: 4,50 ± 0,81 mm. Tỷ lệ tụt gai nướu ở vùng răng trước hàm trên là 37,5%. Khi khoảng cách từ tiếp xúc đến mào xương ổ: 3 mm, 4 mm, 5 mm, 6 mm và 7 mm thì tỷ lệ gai nướu nguyên vẹn lần lượt là là 100%, 95,5%, 77,4% 38,9% và 0%. Kết luận: Các đặc điểm của phức hợp gai nướu có thể được xác định thông qua biện pháp chụp phim CBCT kết hợp cây banh miệng và côn GP. Có mối tương quan giữa tỷ lệ xuất hiện tam giác đen ở vùng răng trước hàm trên với khoảng cách từ tiếp xúc đến mào xương ổ.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Trần Hùng Lâm, Đoàn Vũ, Trần Ngọc Quảng Phi (2021) "Đánh giá bề dày vách xương và mô nướu mặt ngoài vùng răng trước hàm trên: Nghiên cứu trên hình ảnh CBCT". Tạp chí Y học Việt Nam, 501 (1)
2. Nguyễn Mẹo (2007) " Kích thước của đơn vị răng - nướu (đo trên răng cửa giữa hàm trên theo kỹ thuật chụp bên song song) /". Luận văn thạc sỹ Y học. Đại học Y Dược TP.HCM
3. M. C. Chen, Y. F. Liao, C. P. Chan, Y. C. Ku, W. L. Pan, Y. K. Tu (2010) "Factors influencing the presence of interproximal dental papillae between maxillary anterior teeth". J Periodontol, 81 (2), 318-24.
4. I. G. G. Choi, A. R. G. Cortes, E. S. Arita, M. A. P. Georgetti (2018) "Comparison of conventional imaging techniques and CBCT for periodontal evaluation: A systematic review". Imaging Sci Dent, 48 (2), 79-86.
5. C. V. Feijo, J. G. Lucena, L. M. Kurita, S. L. Pereira (2012) "Evaluation of cone beam computed tomography in the detection of horizontal periodontal bone defects: an in vivo study". Int J Periodontics Restorative Dent, 32 (5), e162-8.
6. K. R. Fischer, T. Richter, M. Kebschull, N. Petersen, S. Fickl (2015) "On the relationship between gingival biotypes and gingival thickness in young Caucasians". Clin Oral Implants Res, 26 (8), 865-869.
7. D. Heimes, E. Schiegnitz, R. Kuchen, P. W. Kämmerer, B. Al-Nawas (2021) "Buccal Bone Thickness in Anterior and Posterior Teeth-A Systematic Review". Healthcare (Basel), 9 (12)
8. Abhay Kolte, Rajashri Kolte, Anshuka Agrawal, Tushar Shrirao, Kamal Mankar (2017) "Association between central papilla recession and gingival and interdental smile line". Quintessence international (Berlin, Germany: 1985), 49, 25-32.
9. F. G. Mangano, O. Admakin, M. Bonacina, H. Lerner, V. Rutkunas, C. Mangano (2020) "Trueness of 12 intraoral scanners in the full-arch implant impression: a comparative in vitro study". BMC Oral Health, 20 (1), 263.
10. R. Shah, N. K. Sowmya, D. S. Mehta (2015) "Prevalence of gingival biotype and its relationship to clinical parameters". Contemp Clin Dent, 6 (Suppl 1), S167-71.
11. L. M. Xu, M. Y. Wang, L. X. Liu, X. Chen, Q. T. Wang (2019) "[A pilot study on the consistency of biological widths measured by periodontal probe and cone-beam CT]". Zhonghua Kou Qiang Yi Xue Za Zhi, 54 (4), 235-239.