GIÁ TRỊ TIÊN LƯỢNG TỬ VONG CỦA CHỈ SỐ PBTO2 TRÊN BỆNH NHÂN HỒI SỨC THẦN KINH TẠI TRUNG TÂM CẤP CỨU

Nguyễn Anh Tuấn 1,2,, Trần Nhật Tuân 1
1 Bệnh viện Bạch Mai
2 Đại học Y Hà Nội

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Đo áp lực oxy nhu mô não (PBtO2) là một kỹ thuật mới, ở nước ngoài chủ yếu được áp dụng trên những bệnh nhân chấn thương sọ não. Việc duy trì giá trị PbtO2 trong khoảng bình thường có ý nghĩa rất quan trọng. Nếu tình trạng thiếu oxy xảy ra, ty thể của các tế bào não bị tổn thương đầu tiên, sau đó dẫn đến mất dẫn truyền thần kinh và cuối cùng sẽ xảy ra sự hoại tử tế bào. Trên những bệnh nhân đột quị não nặng, việc duy trì áp lực oxy trong giới hạn bình thường có ý nghĩa sống còn trong việc hồi phục tổn thương của tế bào thần kinh. Chúng tôi tiến hành nghiên cứu đo áp lực oxy nhu mô não trên các bệnh nhân hồi sức thần kinh được điều trị tại trung tâm hồi sức thần kinh A9, kết quả nghiên cứu cho thấy: có mối quan hệ giữa PbtO2 và huyết áp trung bình ở tất cả bệnh nhân ở mức độ yếu (r = 0,122; p = 0,643). Ở nhóm bệnh nhân sống, tương quan giữa PbtO2 với áp lực trong sọ và áp lực tưới máu não kém chặt chẽ (p>0,05). Tuy nhiên ở nhóm bệnh nhân tử vong thì PbtO2 tương quan chặt chẽ với áp lực tưới máu não (r = 0,806; p = 0,009) và áp lực trong sọ (r = -0,782; p = 0,013). Giá trị PbtO2 cao và áp lực trong sọ thấp của nhóm bệnh nhân sống khác biệt với nhóm bệnh nhân tử vong có ý nghĩa thống kê (p<0,05). Giá trị PbtO2 có ý nghĩa trong việc tiên lượng tử vong ở bệnh nhân đột quỵ não nặng với độ nhạy và độ đặc hiệu cao. Kết luận: Theo dõi áp lực oxy nhu mô não là một ký thuật có ý nghĩa quan trọng trên lâm sàng, có giá trị tiên lượng và hướng dẫn cho điều trị đối với những bệnh nhân hồi sức thần kinh do đột quị não cấp.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Vũ Hoàng Phương (2015). Nghiên cứu vai trò của theo dõi liên tục áp lực oxy tổ chức não trong hướng dẫn hồi sức bệnh nhân chấn thương sọ não nặng, Luận án Tiến sĩ y học, Trường Đại học Y Hà Nội, Hà Nội.
2. Sang Bae Ko (2013). Multimodality Monitoring in the Neurointensive Care Unit: A Special Perspective for Patients with Stroke. Journal of Stroke, 15(2), 99-108.
3. Eriksson E. A, Barletta J. F , Figueroa B. E (2012). The first 72 hours of brain tissue oxygenation predicts patient survival with traumatic brain injury. J Trauma Acute Care Surg, 72(5), 1345-1349.
4. Ramakrishna R (2008). Brain oxygen tension and outcome in patients with aneurysmal subarachnoid hemorrhage. J Neurosurg, 109(6), 1075-1082.
5. Nguyễn Anh Tuấn (2014). So sánh hiệu quả kiểm soát áp lực nội sọ bằng dung dịch muối ưu trương và manitol ở những bệnh nhân tai biến mạch não có tăng áp lực nội sọ cấp tính, Luận an Tiến sĩ y học, Trường Đại học Y Hà Nội, Hà Nội.
6. Lương Quốc Chính (2017). Nghiên cứu hiệu quả kết hợp dẫn lưu và sử dụng Alteplase não thất trong điều trị chảy máu não thất có giãn não thất cấp, Luận án Tiến sĩ y học, Trường Đại học Y Hà Nội, Hà Nội.
7. Eisenberg H.M (1988). Highdose barbiturate control of elevated intracranial pressure in patients with severe head injury. J Neurosurg, 69, 15-23.