KHẢO SÁT SỰ LIÊN QUAN GIỮA VỊ TRÍ LỖ THÔNG XOANG BƯỚM VỚI SỰ KHÍ HOÁ CỦA XOANG BƯỚM VÀ MỘT SỐ CẤU TRÚC LÂN CẬN TRÊN PHIM CT SCAN

Trần Đình Khả1, Nguyễn Quang Minh2, Trần Viết Luân3, Nguyễn Thị Kiều Thơ4,
1 Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, TP.HCM
2 Đại học Quốc gia TP.HCM
3 Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM
4 Trường Đại học Y Dược Tp.HCM

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Đặt vấn đề: Lỗ thông xoang bướm là một trong những mốc giải phẫu quan trọng khi can thiệp vào xoang bướm hoặc can thiệp sàn sọ qua ngả xoang bướm. Sự hiểu biết đầy đủ về vị trí và đặc điểm của lỗ thông xoang bướm đối với mặt trước của xoang là rất quan trọng. Đã có nhiều công trình nghiên cứu đánh giá sự ảnh hưởng của quá trình khí hoá xoang bướm lên các cấu trúc xung quanh. Tuy nhiên, hiện vẫn còn thiếu những nghiên cứu về liên quan giữa khí hoá xoang bướm và một số cấu trúc lân cận với vị trí lỗ thông của xoang bướm. Mục tiêu nghiên cứu: Khảo sát sự liên quan giữa vị trí lỗ thông xoang bướm với sự khí hoá của xoang bướm, khí hoá mỏm mũi tàu và tế bào Onodi trên phim CT scan. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu được thực hiện trên phim CT scan mũi xoang của 181 bệnh nhân (tương ứng với 362 xoang bướm) đến khám tại bệnh viện Tai Mũi Họng TP.Hồ Chí Minh với thiết kế nghiên cứu cắt ngang mô tả. Kết quả: Tần suất hiện diện của tế bào Onodi là 39%. Tỉ lệ khí hoá mỏm mũi tàu là 53%. Tỉ lệ các dạng khí hoá xoang bướm theo chiều trước sau lần lượt là dạng trước hố yên (6,4%), dạng hố yên (40,9%), dạng sau hố yên (52,8%). Tỉ lệ các dạng khí hoá xoang bướm theo chiều ngang lần lượt là dạng hẹp (19,3%), dạng trung bình (30,1%), dạng rộng sang bên (50,6%). Sự xuất hiện của tế bào Onodi có liên quan với vị trí lỗ thông xoang bướm trên mặt phẳng đứng dọc. Sự khí hoá mỏm mũi tàu và khí hoá xoang bướm theo chiều ngang có liên quan đến vị trí lỗ thông xoang bướm trên mặt phẳng ngang. Kết luận: Sự khí hoá của xoang bướm và các cấu trúc lân cận như mỏm mũi tàu, tế bào Onodi có liên quan với vị trí lỗ thông xoang bướm. Việc khảo sát các dạng khí hoá của xoang bướm và các cấu trúc này trên phim CT scan trước phẫu thuật giúp xác định tốt hơn vị trí của lỗ thông xoang bướm.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Abuzayed B, Tanrioever N, ÖZLEN F, et al. Endoscopic endonasal transsphenoidal approach to the sellar region: results of endoscopic dissection on 30 cadavers. Turkish neurosurgery. 2009;19(3)
2. Doubi A, Albathi A, Sukyte-Raube D, Castelnuovo P, Alfawwaz F, AlQahtani A. Location of the Sphenoid Sinus Ostium in Relation to Adjacent Anatomical Landmarks. Ear Nose Throat J. Jun 8 2020:145561320927907. doi:10.1177/0145561320927907
3. Göçmez C, Göya C, Hamidi C, Teke M, Hattapoğlu S, Kamaşak K. Evaluation of the surgical anatomy of sphenoid ostium with 3D computed tomography. Surgical and Radiologic Anatomy. 2014;36(8):783-788.
4. Gupta T, Aggarwal A, Sahni D. Anatomical landmarks for locating the sphenoid ostium during endoscopic endonasal approach: a cadaveric study. Surgical and radiologic anatomy. 2013;35(2):137-142.
5. Halawi AM, Simon PE, Lidder AK, Chandra RK. The relationship of the natural sphenoid ostium to the skull base. Laryngoscope. Jan 2015;125(1):75-9. doi:10.1002/lary.24393
6. Jaworek-Troć J, Walocha J, Skrzat J, et al. A computed tomography comprehensive evaluation of the ostium of the sphenoid sinus and its clinical significance. Folia Morphologica. 2022;81(3):694-700.
7. Kaplanoglu H, Kaplanoglu V, Toprak U, Hekimoglu B. Surgical measurement of the sphenoid sinus on sagittal reformatted CT in the Turkish population. The Eurasian Journal of Medicine. 2013;45(1):7.
8. Twigg V, Carr SD, Balakumar R, Sinha S, Mirza S. Radiological features for the approach in trans-sphenoidal pituitary surgery. Pituitary. 2017;20:395-402.
9. Wada K, Moriyama H, Edamatsu H, et al. Identification of Onodi cell and new classification of sphenoid sinus for endoscopic sinus surgery. Wiley Online Library; 2015:1068-1076.