BÁO CÁO CÁC CHÙM CA NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM DO ĐỘC TỐ BOTULINUM TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA KHU VỰC MIỀN NÚI PHÍA BẮC QUẢNG NAM

Tô Mười1,, Tô Anh Tuấn1
1 Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Đặt vấn đề: Ngộ độc botulinum là một hội chứng liệt thần kinh hiếm gặp nhưng có khả năng đe dọa đến tính mạng do hoạt động của một chất độc thần kinh được tạo ra bởi vi khuẩn Clostridium botulinum. Ở Việt Nam đã ghi nhận nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum từ các thực phẩm đóng hộp và lên men. Ngộ độc botulinum nếu được chẩn đoán và điều trị sớm với thuốc giải độc tố botulinum sẽ giảm thời gian nằm viện và tỷ lệ tử vong. Mục tiêu nghiên cứu: Mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, chẩn đoán, điều trị, tiên lượng tử vong của các trường hợp ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Báo cáo hồi cứu 12 ca ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum tại Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam trong tháng 3 năm 2023 và so sánh với y văn. Kết quả: Có 4 chùm ca bệnh nhỏ đều xảy ra tại huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam trên người dân tộc Gié Triêng sau khi ăn cá chép muối ủ chua có chứa độc tố C. botulinum loại E. Trường hợp có đủ ba tiêu chí lâm sàng nghi ngờ ngộ độc botulinum của CDC Hoa Kỳ chiếm 83,3%, trong đó không sốt khi khởi phát triệu chứng và các triệu chứng của bệnh lý thần kinh sọ gặp ở 100% và 91,7% các trường hợp. Yếu/liệt cơ được ghi nhận ở 83,3% trường hợp với đa số trường hợp là yếu/liệt đối xứng và xuống dần. Đa số người bệnh vẫn tỉnh táo và không có rối loạn thần kinh cảm giác. Triệu chứng tiêu hóa xuất hiện ở 91,7% trường hợp, sau khi ăn thực phẩm chứa độc tố C. botulinum 21,5 ± 17,6 (giờ). Suy hô hấp chiếm 66,7%, trong đó suy hô hấp nặng/nguy kịch chiếm 50% và cần đặt nội khí quản, thở máy. Các xét nghiệm sinh hóa và hình ảnh thần kinh trong nhóm nghiên cứu nằm trong giới hạn bình thường. Toan hô hấp gặp ở 25% các trường hợp. Thuốc giải độc tố (BAT từ huyết thanh ngựa) được sử dụng ở 3 ca nặng sau 22,7 ± 2,3 giờ xuất hiện suy hô hấp; người bệnh được cải thiện yếu/liệt cơ và cai máy thở sau dùng thuốc giải độc tố lần lượt là 51,3 ± 28,3 giờ và 72 ± 2 (giờ). Tử vong gặp ở 1 trường hợp với suy hô hấp nặng và chưa được dùng thuốc giải độc tố. Các trường hợp còn lại đã được cải thiện tốt về các triệu chứng bệnh và mức độ suy hô hấp, người bệnh được xuất viện sau 20 ± 5,2 ngày điều trị. Kết luận: Các thức ăn đóng hộp hoặc lên men tự làm có nguy cơ chứa các độc tố botulinum, do đó người dân cần được hướng dẫn cách phòng ngừa ngộ độc botulinum như xử lý và chuẩn bị thực phẩm đúng cách. Các tiêu chí lâm sàng chẩn đoán nghi ngờ ngộ độc botulinum của CDC Hoa Kỳ có thể hữu ích cho các bác sĩ lâm sàng để nhanh chóng xem xét ngộ độc botulinum sớm hơn trong quá trình điều trị bệnh. Tính đặc hiệu của ba tiêu chí này vẫn chưa được biết và sự vắng mặt của một trong những tiêu chí này không loại trừ khả năng ngộ độc botulinum. Suy hô hấp là nguyên nhân gây tử vong cao nhất, do đó cần đặt nội khí quản và thở máy ở những trường hợp suy hô hấp nặng/nguy kịch. Thuốc giải độc tố (BAT từ huyết thanh ngựa) là lựa chọn điều trị chính cho ngộ độc botulinum và nên được dùng ngay khi có chẩn đoán lâm sàng nghi ngờ ngộ độc botulinum. Một số nghiên cứu cũng cho thấy rằng việc sử dụng thuốc giải độc tốt sớm hơn có liên quan đến việc giảm thời gian nằm viện và tỷ lệ tử vong so với việc sử dụng muộn.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

Bộ Y tế (2020), "Quyết định số 3875/QĐ-BYT ngày 07/9/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn tạm thời chẩn đoán, điều trị ngộ độc botulinum", p.5.
2. Chatham-Stephens, Kevin, Shannon Fleck-Derderian, Shacara D Johnson, et al. (2018), "Clinical features of foodborne and wound botulism: a systematic review of the literature, 1932–2015", 66(suppl_1), pp. S11-S16.
3. O’Horo John C, Eugene P Harper, Abdelghani El Rafei, et al. (2018), "Efficacy of antitoxin therapy in treating patients with foodborne botulism: a systematic review and meta-analysis of cases, 1923–2016", 66(suppl_1), pp. S43-S56.
4. Samuel Pegram P., M Stone (2022), "FACEP", Botulium.
5. Rao Agam K, Neal H Lin, Stephanie E Griese, et al. (2018), "Clinical criteria to trigger suspicion for botulism: an evidence-based tool to facilitate timely recognition of suspected cases during sporadic events and outbreaks", 66(suppl_1), pp. S38-S42.
6. Rao Agam K, Jeremy Sobel, Kevin Chatham-Stephens, et al. (2021), "Clinical guidelines for diagnosis and treatment of botulism, 2021", 70(2), pp. 1.
7. Sobel J, Tucker N, Sulka A, et al (2004), "Foodborne botulism in the United States", Emerg Infect Dis. 10:1606, pp. 1990-2000.
8. Yu PA, Mahon BE Lin NH, et al. (2017), "Safety and Improved Clinical Outcomes in Patients Treated With New Equine-Derived Heptavalent Botulinum Antitoxin", Clin Infect Dis. 66:S57.