PHÒNG NGỪA VÀ XỬ TRÍ BIẾN CHỨNG PHẪU THUẬT NÂNG MŨI: BÁO CÁO CA LÂM SÀNG

Nguyễn Đức Vượng1, Võ Hương Duyên1, Nguyễn Đình Chương1, Trần Đình Khả2, Nguyễn Thị Kiều Thơ1,
1 Đại học Y Dược TPHCM
2 Bệnh viện Nhân Dân Gia Định

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Đặt vấn đề: Phẫu thuật nâng mũi là một trong những phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ phổ biến nhất. Tuy nhiên, như mọi phẫu thuật khác, có thể xảy ra các biến chứng sau phẫu thuật nâng mũi. Việc phòng ngừa và xử trí các biến chứng này là một phần quan trọng trong quá trình điều trị. Lựa chọn phương thức xử trí biến chứng thích hợp tuỳ theo từng trường hợp bệnh nhân cụ thể. Ca lâm sàng: Bệnh nhân nữ, 30 tuổi, được phẫu thuật nâng mũi trước đó 18 tháng. Không ghi nhận rõ phương pháp phẫu thuật và vật liệu đã sử dụng để nâng mũi. Ngay sau phẫu thuật, bệnh nhân có triệu chứng sưng nề và đau toàn bộ mũi. Bệnh nhân được điều trị với kháng sinh và kháng viêm trong thời gian dài nhưng không cải thiện. Tại thời điểm chúng tôi tiếp nhận, bệnh nhân sưng nề toàn bộ mũi, ấn đau dọc tháp mũi và đầu mũi. Nội soi mũi ghi nhận niêm mạc tiền đình mũi phù nề và đọng mủ đục. Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng sau phẫu thuật nâng mũi không đáp ứng điều trị nội khoa. Tiến hành phẫu thuật mũi mở thám sát ghi nhận khối mô bở và lợn cợn mủ đục; bên dưới lớp mô bở là khối vật liệu nâng mũi nhân tạo cùng nhiều mảnh vụn cứng. Lấy trọn khối vật liệu nâng mũi nhân tạo, các mảnh vụn cứng và mô bở. Sau phẫu thuật 1 tháng, mũi hết sưng đau, vết thương lành tốt. Nội soi tiền đình mũi không sưng nề, không đọng mủ. Bệnh nhân mong muốn thực hiện chỉnh hình mũi sau khi tình trạng ổn định. Bàn luận: Biến chứng sau phẫu thuật nâng mũi có thể xảy ra. Việc theo dõi, phát hiện sớm và chẩn đoán chính xác là chìa khóa quan trọng trong việc xử trí thành công. Từ đó giúp đảm bảo kết quả điều trị tốt nhất cho bệnh nhân cả về mặt thẩm mỹ và chức năng. Ở bệnh nhân này, khi chúng tôi tiếp nhận, tình trạng nhiễm trùng đã xảy ra trong một thời gian dài trước đó. Tuy nhiên, nhờ sự kết hợp giữa phẫu thuật lấy vật liệu nâng mũi nhân tạo, cắt lọc sạch mô viêm và sử dụng kháng sinh hợp lí đã giúp xử lý triệt để tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân. Kết luận: Phẫu thuật nâng mũi là phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ phổ biến, tuy nhiên có thể xảy ra các biến chứng sau phẫu thuật. Việc phòng ngừa, phát hiện sớm và xử lý kịp thời biến chứng nếu có là điều cần thiết để đảm bảo kết quả phẫu thuật tốt về cả mặt thẩm mỹ và chức năng.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

Ho, O.Y.M., P.K.M. Ku, and M.C.F. Tong, Rhinoplasty outcomes and trends. Curr Opin Otolaryngol Head Neck Surg, 2019. 27(4): p. 280-286.
2. Taha, M., et al., Adult Knowledge About Postoperative Complications of Rhinoplasty in the Western Region of Saudi Arabia. Cureus, 2023. 15(4): p. e37183.
3. Moon, K.-C., et al., Late-onset inflammation in Asian rhinoplasty using alloplastic implants. Aesthetic Plastic Surgery, 2021. 45: p. 670-678.
4. Surowitz, J.B. and S.P. Most, Complications of rhinoplasty. Facial Plast Surg Clin North Am, 2013. 21(4): p. 639-51.
5. Choi, J.Y., Complications of Alloplast Rhinoplasty and Their Management: A Comprehensive Review. Facial Plast Surg, 2020. 36(5): p. 517-527.
6. Kim, Y.K., K. Kania, and A.H. Nguyen, Rhinoplasty with Cartilage and Alloplastic Materials, Nasal SMAS Management in Asian Rhinoplasty, Contracture Classification, and Secondary Rhinoplasty with Contracture. Semin Plast Surg, 2015. 29(4): p. 255-61.
7. Ferril, G.R., J.M. Wudel, and A.A. Winkler, Management of complications from alloplastic implants in rhinoplasty. Curr Opin Otolaryngol Head Neck Surg, 2013. 21(4): p. 372-8.
8. Seo, M.G., E.K. Choi, and K.J. Chung, Delayed inflammatory response evoked in nasal alloplastic implants after COVID-19 vaccination: A case report. World J Clin Cases, 2022. 10(23): p. 8298-8303.