XÁC ĐỊNH CÁC GENOTYPE HUMAN PAPILLOMA VIRUS BẰNG KỸ THUẬT REAL TIME PCR TRÊN CÁC BỆNH NHÂN KHÁM SÀNG LỌC TẠI VIỆN PASTEUR THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 2021-2022

Thị Thu Cúc Cao 1,, văn Thắng Nguyễn 1, Hữu Nghĩa Cao 2
1 Trường Đại học Y Dược TP.HCM
2 Viện Pasteur TP. HCM

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Đặt vấn đề: Tầm soát ung thư cổ tử cung (UTCTC) hiện nay được thực hiện bằng xét nghiệm phết tế bào tử cung (Pap smear) nhưng độ nhạy không cao và thường phát hiện ở giai đoạn muộn, sau khi người bệnh bị nhiễm HPV một thời gian dài. Vì vậy, chúng tôi thực hiện kỹ thuật Realtime-PCR trong nghiên cứu này nhằm mục đích chẩn đoán sớm, chính xác và tìm hiểu các genotype HPV khác nhau lây truyền qua đường tình dục cũng như các yếu tố nguy cơ trong bệnh lý nhiễm HPV. Mục tiêu: Xác định các genotype HPV và các yếu tố liên quan bằng kỹ thuật Real-time PCR trên các bệnh nhân đến khám sàng lọc UTCTC và các ung thư khác liên quan đến HPV tại Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh từ tháng 10/2021 đến tháng 06/2022. Phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang. Nghiên cứu áp dụng kỹ thuật sinh học phân tử Realtime – PCR phát hiện các genotype HPV khác nhau, bao gồm: 2 type nguy cơ thấp và 14 type nguy cơ cao trên 161 mẫu bệnh nhân trên 18 tuổi, lấy từ dịch phết cổ tử cung (nữ) hoặc dịch phết niệu đạo và/hoặc tổn thương sinh dục ngoài (nam). Kết quả: Tỷ lệ nhiễm HPV là 38,5% (n=161), được phân bố 29,4% (nam) và 48,7% (nữ), nhiều nhất ở lứa tuổi ≥40 tuổi (60,9%) so với nhóm phân bố theo 3 nhóm tuổi và 2 nhóm tuổi lần lượt là: p=0,023 và p=0,017. Phân tích theo đường lây truyền thì nhóm quan hệ tình dục (QHTD) khác giới là 39,4% (n=137), QHTD đồng giới là 33,3% (n=24). Nhóm nữ QHTD khác giới là 48,7% so với nam QHTD khác giới 27,9%, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p <0.05. Nhiễm HPV trong nhóm nam QHTD đồng giới là 33,3% so với nam QHTD khác giới 27,9%, đây là khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p=0,619). Tỷ lệ nhiễm nhóm HPV nguy cơ cao (NCC) là 50%, nhóm nguy cơ thấp (NCT) là 61,3%. Tình trạng đơn và đồng nhiễm: 75,8% và 24,2% (p=0,039). Tỷ lệ đơn nhiễm các genotype lần lượt là: HPV 11 (50%), HPV 6 (14,5%), HPV 18 (12,9%), HPV 16 (11,3%), HPV 52 (9,7%), HPV 59 (6,5%), HPV 39 và 58: 4,8%, HPV 31, 33, 45, 51, 66 đều chiếm 3,2%. Đồng nhiễm các genotype HPV khác nhau gặp ở cả nhóm HPV NCT và HPV NCC. Kết luận: Tỷ lệ nhiễm HPV chung là 38,5%, với tỷ lệ đơn nhiễm 75,8% và đồng nhiễm 24,2%, trong đó nhóm HPV NCT chiếm đa số so với nhóm HPV NCC lần lượt là 61,3% so với 50 %. HPV 11 là genotype tìm thấy nhiều nhất ở nhóm NCT (50%). Genotype phổ biến nhất ở nhóm NCC là HPV 18 (12,9%), kế tiếp là HPV 16 (11,3%) và HPV 52, 59 lần lượt là: 9,7% và 6,5%. Các kỹ thuật sinh học phân tử, mà đặc biệt là Real-time PCR đáp ứng được yêu cầu chẩn đoán sớm, nhanh và chính xác bên cạnh xét nghiệm thường quy tầm soát tế bào học cổ tử cung giúp kiểm soát và góp phần làm giảm tỷ lệ UTCTC nói riêng và nhiễm HPV nói chung.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Lê Thị Kiều Dung, Trần Thị Lợi (2005) "Mối liên quan giữa nhiễm các loại HPV với tân sinh trong biểu mô cổ tử cung", Tạp chí Y học TP. Hồ Chí Minh. 9 (1),pp.130.
2. Cao Minh Nga và cs (2011), “ Sự phân bố các genotype HPV (Human Papillomavirus) ở phụ nữ và các yếu tố liên quan”, Tạp chí Y học TP. Hồ Chí Minh. 15 (1),pp.205-211.
3. Cao Hữu Nghĩa (2016), “Khảo sát tỷ lệ nhiễm Human Papilloma virus 6/11/16/18 ở bệnh nhân khám sàng lọc tại Viện Pasteur TP.HCM bằng kỹ thuật sinh học phân tử Realtime-PCR”, Tạp chí Y học Thực hành (1005), pp 147 – 149.
4. Hồ Quang Nhật và cs (2022), “Nghiên cứu tỷ lệ nhiễm HPV nguy cơ cao ở phụ nữ có tổn thương tiền ung thư cổ tử cung tại Bệnh viện Từ Dũ”, Tạp chí Phụ sản; 20(1), pp.43-48
5. Vũ Thị Nhung (2007), "Liên quan giữa các tuýp HPV và các tổn thương tiền ung thư - ung thư cổ tử cung tại Bệnh viện Hùng Vương", Tạp chí Y học TP. Hồ Chí Minh. 11 (2),pp.93.
6. Lê Quang Vinh, Lê Trung Thọ (2012), “ Nghiên cứu tỷ lệ nhiễm Human Pappillomavirus ở phụ nữ tỉnh Thái Nguyên, Huế và Cần Thơ”, Tạp chí Phụ sản. 10(2), pp.130-136.
7. Hyuna Sung, Jacques Ferlay, Rebecca L Siegel, Mathieu Laversanne, Isabelle Soerjomataram, Ahmedin Jemal , Freddie Bray (2021), "Global cancer statistics 2020: GLOBOCAN estimates of incidence and mortality worldwide for 36 cancers in 185 countries", CA: a cancer journal for clinicians. 71 (3), pp.209-249.
8. Lihong Chang, Puwa Ci, Jufang Shi, Kan Zhai, Xiaoli Feng, Danny Colombara, Wei Wang, Youlin Qiao, Wen Chen , Yuping Wu (2013), "Distribution of genital wart human papillomavirus genotypes in China: A multi‐center study", Journal of medical virology. 85 (10),pp.1765-1774.