ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG, CẬN LÂM SÀNG VÀ KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ ÁP XE GAN DO VI KHUẨN Ở BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TYP 2

Nguyễn Văn Sơn1,, Nguyễn Công Long2, Nguyễn Thị Vân Hồng3
1 Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ
2 Trung tâm Tiêu hóa Gan mật-Bệnh viện Bạch Mai
3 Trường Đại học Y Hà Nội

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Mục tiêu: Mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả điều trị áp xe gan do vi khuẩn ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu mô tả hồi cứu và tiến cứu 58 bệnh nhân được chẩn đoán áp xe gan có kết quả cấy dịch ổ áp xe mọc vi khuẩn ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2 điều trị tại Trung tâm tiêu hóa - gan mật bệnh viện Bạch Mai từ 1/2022 đến 4/2024. Kết quả: Tuổi trung bình của đối tượng nghiên cứu là 61,9 tuổi ± 12,3. Tỷ lệ nam/nữ: 2,41/1. Triệu chứng gặp chủ yếu là sốt (94,8%), sau đó đau hạ sườn phải (93,1%). Ngoài đái tháo đường thì bệnh lý đi kèm thường gặp khác là sỏi mật (13,8%), lạm dụng rượu (10,3%). 89,7% bệnh nhân có tăng số lượng bạch cầu; tăng CRP (100%); giảm albumin máu (63,8%), gía trị trung bình của đường huyết lúc nhập viện là 12,7 ± 4,3 mmo/l, HbA1c là 9,2 ± 1,8%, có 60,3% số trường hợp rối loạn đường huyết lúc nhập viện. 69% có 1 ổ áp xe đơn độc, 79,3% ở vị trí gan phải, 29,3% hình thành khí trong ổ áp xe. Căn nguyên vi sinh thường gặp gây áp xe gan là Klebsiella pneumoniae chiếm 89,7% và Escherichia coli 3,4%. Số ngày nằm viện trung bình là 15,3 ngày (dao động từ 4 đến 52 ngày). Số ngày hết sốt trung bình là 3,9 ngày. Tỷ lệ điều trị Cephalosporin thế hệ 3 phối hợp Metronidazol là nhiều nhất chiếm 44,8%, tiếp đến là điều trị Carbapenem đơn độc chiếm 27,6%. Có 67,2% bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh và 32,8% bệnh nhân được điều trị đỡ và chuyển tuyến dưới, không có bệnh nhân tử vong. Các yếu tố ảnh hưởng đến thời gian nằm viện có ý nghĩa thống kê là bệnh nhân có đường huyết, CRP, số lượng bạch cầu lúc nhập viện cao và Albumin máu thấp. Kết luận: Áp xe gan do vi khuẩn ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2 có triệu chứng thường gặp là sốt, đau hạ sườn phải, thường gặp 1 ổ áp xe ở thùy gan phải, căn nguyên vi sinh chủ yếu do Klebsiella pneumoniae. Đường huyết, CRP, số lượng bạch cầu lúc nhập viện cao và Albumin máu thấp là các yếu tố ảnh hưởng đến thời gian nằm viện.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Trần Ngọc Luân (2020) Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả điều trị áp xe gan do Klebsiell pneumoniae tại bệnh viện Bạch Mai năm 2015-2020. Luận văn thạc sỹ y học
2. Hà Khắc Trung (2014) Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của áp xe gan do vi khuẩn tại Khoa Tiêu hóa - Bệnh viện Bạch Mai. Luận văn thạc sỹ y học
3. Vũ Huy Bình (2017) Nhận xét đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả điều trị áp xe gan do vi khuẩn bằng sondle Pigtail. Luận văn thạc sĩ Y học. Trường đại Y Hà Nội
4. Serraino C et al (2018) Characteristics and management of pyogenic liver abscess: A European experience. Medicine (Baltimore) 97(19): 0628
5. Chen W et al (2008) Clinical outcome and prognostic factors of patients with pyogenic liver abscess requiring intensive care. Crit Care Med 36(4): 1184-1188
6. Kim EJ et al (2019) Diabetes and the risk of infection: A national cohort study. Diabetes Metab J 43(6): 804-814
7. Rahimian J., Wilson T., Oram V. et al (2004). Pyogenic liver abscess: recent trends in etiology and mortality. Clin Infect Dis, 39(11), 1654-9
8. Malik A. A., Bari S. U., Rouf K. A. et al (2010). Pyogenic liver abscess: Changing patterns in approach. World J Gastrointest Surg, 2 (12), 395-401
9. Lee HL et al (2004) Clinical significance and mechanism of gas formation of pyogenic liver abscess due to Klebsiella pneumoniae. J Clin Microbiol 42(6): 2783-2785
10. Soreide Kjetil (2018) Blumgart's Surgery of the liver, Biliary tract and Pancreas. Norwegian Medical Assoc Akersgata 2(1152), OsLo, 0107, Norway