KHẢO SÁT KHÁNG THỂ BẤT THƯỜNG Ở NGƯỜI HIẾN MÁU TÌNH NGUYỆN BẰNG KỸ THUẬT MICROPLATE TRÊN HỆ THỐNG MÁY PHÂN TÍCH MIỄN DỊCH TỰ ĐỘNG TẠI TRUNG TÂM TRUYỀN MÁU CHỢ RẪY

Nguyễn Thanh Tùng1, Lê Hoàng Oanh2, Hà Thị Anh3, Phạm Lê Nhật Minh2, Lâm Văn Minh2,
1 Bệnh xá B21, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ngãi
2 Bệnh viện Chợ Rẫy
3 Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Mở đầu: Đối với nền y học hiện đại ngày nay, máu vẫn là một sản phẩm rất quý mà chúng ta chưa thể sản suất được và cũng chưa có chất nào thay thế được máu. Nguồn máu đã và đang được sử dụng 100% được lấy từ con người và hiến máu là hoạt động cần thiết và quan trọng nhằm duy trì và bổ sung liên tục lượng máu để cứu sống bệnh nhân (1). Ở các nước phát triển, ngoài việc phải định nhóm máu hệ ABO, Rh và các hệ hồng cầu có khả năng sinh kháng thể miễn dịch mạnh, còn phải xác định kháng thể bất thường cho đơn vị máu và người nhận máu, do đó việc truyền máu ở các nước này rất an toàn và hiệu quả. Tại Việt Nam, thông tư số 26/2013/TT-BYT ngày 16/9/2013 về “Hướng dẫn hoạt động truyền máu” của Bộ Y tế có những quy định về sàng lọc kháng thể bất thường và định danh kháng thể bất thường ở một số trường hợp đặc biệt (2). Có nhiều kỹ thuật được áp dụng để thực hiện xét nghiệm sàng lọc và định danh kháng thể bất thường. Tuy nhiên để đáp ứng việc xét nghiệm số lượng mẫu lớn, thời gian nhanh và độ tin cậy cao thì kỹ thuật microplate trên hệ thống máy phân tích miễn dịch tự động đang là một lựa chọn tối ưu hiện nay. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang 11.472 mẫu từ đối tượng người hiến máu tình nguyện tại Trung tâm truyền máu, Bệnh viện Chợ Rẫy. Kết quả:  1. Tỷ lệ kháng thể bất thường ở người hiến máu tình nguyện bằng kỹ thuật microplate trên hệ thống máy phân tích miễn dịch tự động. Trong tổng mẫu xét nghiệm, tỷ lệ kháng thể bất thường chiếm 0,07% (có 8 mẫu phát hiện kháng thể bất thường). Hệ nhóm máu ABO có tỷ lệ kháng thể bất thường ở nhóm máu O chiếm tỷ lệ cao nhất 0,1%, tiếp theo là nhóm máu B 0,06%, nhóm máu A 0,04% và không ghi nhận ở nhóm máu AB. Hệ nhóm máu Rh có tỷ lệ kháng bất thường hoàn toàn ở nhóm máu Rh+. 2. Định danh kháng thể bất thường và xác định tỷ lệ các loại kháng thể bất thường tìm được. Trong 8 mẫu kết quả định danh kháng thể bất thường, có ½ số mẫu định danh dương tính (chiếm 50%), tỷ lệ mẫu có kết quả không xác định là 37,5% và mẫu còn lại cho kết quả âm tính (chiếm 12,5%). Trong 4 mẫu định danh kháng thể bất thường dương tính, đa số các kháng thể bất thường thuộc hệ nhóm máu Rh được phát hiện nhiều nhất chiếm 75% (có 3 mẫu Anti E) và phần còn lại thuộc hệ nhóm máu Lewis có tỷ lệ 25% (có 1 mẫu Anti Lea). Kết luận: Tỷ lệ kháng thể bất thường ở người hiến máu tình nguyện bằng kỹ thuật microplate trên hệ thống máy phân tích miễn dịch tự động chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số mẫu. Định danh kháng thể bất thường và xác định tỷ lệ các loại kháng thể bất thường tìm được từ nhóm máu Rh chiếm tỷ lệ cao.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

Graf, C., et al. (2024), "Blood Donor Incentives across 63 Countries: The BEST Collaborative Study", Transfus Med Rev. 38(2), pp. 150809.
2. Bộ Y tế (2013), Thông tư số 26/2013/TT-BYT Hướng dẫn về hoạt động truyền máu, Hà Nội.
3. Trương Anh Dũng (2017), Khảo sát và định danh kháng thể bất thường ở những người cho máu tình nguyện khu vực Đông Nam Bộ tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Luận văn Thạc sĩ Y học, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.
4. Alsalmi, M. A., et al. (2019), "Knowledge, attitude and practice of blood donation among health professions students in Saudi Arabia; A cross-sectional study", J Family Med Prim Care. 8(7), pp. 2322-2327.
5. Võ Quang Trung và các cộng sự. (2024), "khảo sát động lực và thực hành tham gia hiến máu của sinh viên khối ngành sức khỏe tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2023", Tạp chí Y học Việt Nam. 539(3).
6. Nguyễn Thị Minh Thiện (2015), Nghiên cứu kết quả của phản ứng hòa hợp và sàng lọc kháng thể bất thường bằng phương pháp cột gel tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Luận văn Thạc sỹ Y học, Trường Đại học Y Hà Nội.
7. Nguyễn Tuấn Tùng, Nguyễn Văn Huyền (2023), "Phân bố nhóm máu hệ ABO và nhu cầu sử dụng chế phẩm máu ở bệnh nhân phẫu thuật tim mạch tại Bệnh viện Bạch Mai giai đoạn 2020-2022", Tạp chí Y Dược Lâm Sàng, 18(4), tr. 131-138.
8. Trần Văn Bảo (2017), "Nghiên cứu sàng lọc và định danh kháng thể bất thường ở người hiến máu tình nguyện tại Bệnh viện Chợ Rẫy", Tạp chí Y Học Lâm Sàng, 46, tr. 10-14.