KẾT QUẢ KHÂU NỐI GÂN GẤP NGÓN TAY THÌ ĐẦU TRONG ĐIỀU TRỊ VẾT THƯƠNG BÀN TAY TẠI BỆNH VIỆN TRUNG ƯƠNG QUÂN ĐỘI 108
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Mục tiêu: Đánh giá kết quả khâu nối gân gấp ngón tay thì đầu tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và nhận xét một số yếu tố ảnh hưởng đến kết quả. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả hồi cứu và tiến cứu, theo dõi dọc, thực hiện trên 63 bệnh nhân có vết thương đứt gân gấp ngón tay được phẫu thuật khâu nối gân thì đầu tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 từ tháng 01/2021 đến tháng 03/2024. Đánh giá kết quả sau phẫu thuật tối thiểu 3 tháng theo tiêu chí Strickland. Kết quả: Nghiên cứu có 63 bệnh nhân, với 118 ngón tay bị đứt gân. Trong đó 81% là nam và 19% là nữ. Vùng II có tần suất bị thương cao nhất (chiếm 51,7% số ngón). Tất cả bệnh nhân đều liền vết mổ kỳ đầu. Không có bệnh nhân nào nhiễm trùng vết mổ. Có 1 bệnh nhân (chiếm 1,6%) bị đứt lại gân. Kết quả chung sau phẫu thuật theo Strickland: có 33,9% số ngón tay đạt kết quả tốt, 40,7% đạt khá, 20,3% đạt trung bình và 5,1% đạt kém. Các yếu tố ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả bao gồm: Tổn thương vùng II và vùng IV theo phân loại của Verdan, thời gian từ khi bị thương đến khi phẫu thuật trên 12 giờ, tổn thương gãy xương hoặc trật khớp kèm theo, tình trạng vết thương phần mềm nham nhở. Kết luận: Vết thương đứt gân gấp bàn tay được khâu nối sớm thì đầu bằng kỹ thuật bốn sợi trục cho kết quả tốt, đảm bảo mối nối vững chắc cho quá trình tập luyện sớm sau mổ. Vùng tổn thương, tổn thương phối hợp, tình trạng vết thương phần mềm là các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả.
Chi tiết bài viết
Từ khóa
Gân gấp; phẫu thuật bàn tay; sợi trục
Tài liệu tham khảo
2. Nguyễn Anh Tú (2015), "Đánh giá kết quả điều trị vết thương đứt gân gấp ngón tay vùng II tại bệnh viện quân y 103", Luận văn tốt nghiệp Bác sĩ nội trú, Trường Học viện Quân y.
3. Phạm Thị Thanh Hiền, Nguyễn Vũ Hoàng & Nguyễn Thanh Tùng (2022), "Đánh giá kết quả phẫu thuật khâu nối kỳ đầu gân gấp vùng II trong điều trị vết thương bàn tay tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên", Tạp chí Y học Việt Nam. 508(2).
4. Jia, Q. và các cộng sự. (2023), "Risk factors associated with tendon adhesions after hand tendon repair", Front Surg. 10, tr. 1121892.
5. Pan, Z. J. và các cộng sự. (2020), "Outcomes of 200 digital flexor tendon repairs using updated protocols and 30 repairs using an old protocol: experience over 7 years", J Hand Surg Eur Vol. 45(1), tr. 56-63.
6. Ranjan, V. và các cộng sự. (2023), "The Outcomes of Flexor Tendon Injury Repair of the Hand: A Clinico-Epidemiological Study", Cureus. 15(1), tr. e33912.
7. Sasor, S. E. và Chung, K. C. (2023), "Surgical Considerations for Flexor Tendon Repair: Timing and Choice of Repair Technique and Rehabilitation", Hand Clin. 39(2), tr. 151-163.
8. Starnes, T., Saunders, R. J. và Means, K. R., Jr. (2012), "Clinical outcomes of zone II flexor tendon repair depending on mechanism of injury", J Hand Surg Am. 37(12), tr. 2532-40.