TỶ LỆ THIẾU MÁU TRƯỚC PHẪU THUẬT UNG THƯ ĐƯỜNG TIÊU HÓA: ĐÁNH GIÁ CÁC YẾU TỐ LIÊN QUAN

Nguyễn Huyền Thoại1,, Bùi Quốc Khánh2, Nguyễn Thanh Hiếu3, Nguyễn Thị Phương Dung4, Nguyễn Thị Thanh4
1 Trường Đại học Trà Vinh
2 Bệnh viện Quân Y 175
3 Bệnh viện Trung ương Huế
4 Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Đặt vấn đề: Thiếu máu trước phẫu thuật là yếu tố nguy cơ độc lập cho kết cục xấu ở người bệnh ung thư đường tiêu hóa. Tình trạng thiếu máu trước phẫu thuật có liên quan đến tăng nguy cơ truyền máu, tăng tỷ lệ biến chứng và tỷ lệ tử vong sau phẫu thuật. Chiến lược quản lý máu cho người bệnh ở người bệnh ung thư phẫu thuật chưa được xác định và khuyến nghị đầy đủ. Mục tiêu: Khảo sát tỷ lệ thiếu máu trước phẫu thuật ở người bệnh ung thư đường tiêu hóa. Xác định các yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng thiếu máu trước phẫu thuật ở người bệnh ung thư đường tiêu hóa. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang, tiến cứu. Chúng tôi chọn tất cả người bệnh ung thư đường tiêu hóa (bao gồm ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, ung thư trực tràng) có chỉ định phẫu thuật chương trình từ tháng 12 năm 2022 đến tháng 5 năm 2023 tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Thiếu máu trước phẫu thuật dựa vào nồng độ Hemoglobin (Hb) đầu tiên lúc người bệnh nhập viện, Hb < 12 g/dl với nữ, Hb < 13 g/dl với nam. Kết quả: Trong số 118 người bệnh được sàng lọc, có 110 người bệnh ung thư đường tiêu hóa được phân tích. Tuổi trung bình là 61±12 tuổi, chủ yếu là nam 63%. Tỷ lệ thiếu máu trước phẫu thuật là 45,5%, chủ yếu là thiếu máu nhẹ - trung bình, tỷ lệ thiếu máu nhẹ/trung bình/nặng là 20,9%/18,2%/6,4%. Đặc điểm thiếu máu chủ yếu là thiếu máu hồng cầu bình thường (60%) và hồng cầu đẳng sắc (70%). Các yếu tố có liên quan đến thiếu máu trước phẫu thuật ở ung thư đường tiêu hóa là tình trạng thể chất theo ASA (p=0,006), nồng độ Albumin trước phẫu thuật (p=0,006), tình trạng sụt cân (p=0,004), tiền sử xuất huyết tiêu hóa(p=0,008), vị trí khối u (p=0,019) và giai đoạn ung thư TNM (p=0,02). Kết luận: Tình trạng thiếu máu trước phẫu thuật ở người bệnh ung thư đường tiêu hóa rất phổ biến. Cần xác định sớm tình trạng thiếu máu là việc cần thiết trong quản lý máu người bệnh nhằm cải thiện kết cục cho nhóm người bệnh ung thư phẫu thuật.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Shander A, Corwin HL, Meier J, et al. Recommendations From the International Consensus Conference on Anemia Management in Surgical Patients (ICCAMS). Ann Surg. Apr 1 2023; 277(4): 581-590. doi:10.1097/SLA. 0000000000005721
2. Ristescu I, Pintilie G, Filip D, et al. Perioperative Anemia and Transfusion in Colorectal Cancer Patients. Chirurgia (Bucur). 2019; 114(2): 234-242. doi: 10.21614/chirurgia. 114.2.234
3. Huang XZ, Yang YC, Chen Y, et al. Preoperative Anemia or Low Hemoglobin Predicts Poor Prognosis in Gastric Cancer Patients: A Meta-Analysis. Dis Markers. 2019;2019:7606128. doi:10.1155/2019/7606128
4. Ngô Thị Linh, Phạm Văn Phú, Đỗ Tất Thành và cộng sự. Tình trạng dinh dưỡng và biến chứng của bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa tại bệnh viên Hữu Nghĩ Việt Đức. Viện sức khỏe Cộng đồng. 2020;57(4):84-89.
5. Vayrynen JP, Tuomisto A, Vayrynen SA, et al. Preoperative anemia in colorectal cancer: relationships with tumor characteristics, systemic inflammation, and survival. Sci Rep. 2018;8(1): 1126. doi:10.1038/s41598-018-19572-y
6. Connor JP, Destrampe E, Robbins D, et al. Pre-operative anemia and peri-operative transfusion are associated with poor oncologic outcomes in cancers of the esophagus: potential impact of patient blood management on cancer outcomes. BMC Cancer. 2023;23(1):99. doi:10. 1186/s12885-023-10579-x
7. Kwon YH, Lim HK, Kim MJ, et al. Impacts of anemia and transfusion on oncologic outcomes in patients undergoing surgery for colorectal cancer. Int J Colorectal Dis. Jul 2020;35(7):1311-1320. doi:10.1007/s00384-020-03601-2