TỶ LỆ LƯU HÀNH TÝP VI RÚT DENGUE GÂY SỐT XUẤT HUYẾT TẠI BỆNH VIỆN THÀNH PHỐ THỦ ĐỨC

Nguyễn Minh Sơn1,2,, Phạm Hùng Vân3, Võ Nguyên Trung1,4
1 Đại học Y Dược TP HCM
2 Bệnh viện thành phố Thủ Đức
3 Nam Khoa Biotek
4 Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Đặt vấn đề: Sốt xuất huyết Dengue (SXHD) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Dengue gây ra, chưa có thuốc đặc hiệu cũng như vắc xin phòng bệnh hiệu quả. Việc xác định tỷ lệ týp vi rút lưu hành sẽ giúp nhận biết, theo dõi và dự phòng bệnh tốt hơn. Mục tiêu: (1) Xác định tỷ lệ các týp vi rút Dengue trên bệnh nhân mắc SXHD tại Bệnh viện thành phố Thủ Đức. (2) Xác định mối liên quan giữa týp vi rút với tuổi, giới tính và mức độ nặng. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu cắt ngang mô tả được thực hiện từ 10/2022 – 08/2023 trên 332 người bệnh đến khám, điều trị tại Bệnh viện thành phố Thủ Đức được chẩn đoán SXHD và làm xét nghiệm nhanh NS1, IgM, IgG để sàng lọc. Sau đó xét nghiệm RT-realtime PCR để định týp vi rút. Kết quả: Trong 332 người bệnh đủ điều kiện đưa vào nghiên cứu có 175 nam và 157 nữ. Xét nghiệm RT-realtime PCR đã phát hiện và định týp vi rút Dengue ở 252 người bệnh gồm 133 nam (52,8%), 119 nữ (47,2%) với tỷ lệ phần trăm các kiểu huyết thanh như sau: DENV-1 (27%), DENV-2 (64,3%), DENV-4 (6,7%), DENV-1&2 (2%) và không phát hiện kiểu huyết thanh DENV-3. Týp DENV-2 chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn các týp khác ở các nhóm tuổi, giới tính và mức độ nặng. Các týp vi rút Dengue ghi nhận mức độ gây bệnh: SXHD nhẹ (88,5%), SXHD có dấu hiệu cảnh báo (10,7%) và số ít SXHD nặng (0,8%). Kết luận: Xác định các týp vi rút Dengue lưu hành gồm có DENV-2 (64,3%), DENV-1 (27%), DENV-4 (6,7%) và týp vi rút Dengue đồng nhiễm là DENV-1&2 (2%). Không có mối liên quan giữa týp vi rút Dengue với tuổi, giới tính. Týp DENV-2 có nguy cơ SXHD có dấu hiệu cảnh báo và mức độ nặng cao hơn các týp vi rút khác.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

Guzman Mg AM, Halstead Sb (2013). “Secondary infection as a risk factor for dengue hemorrhagic fever/dengue shock syndrome: an historical perspective and role of antibody-dependent enhancement of infection”. Archives of virology, 158(7):1445-1459.
2. Dighe SN, Dua K, Chellappan DK, Katavic PL and Collet TA (2019). “Recent update on anti-dengue drug discovery”. European journal of medicinal chemistry, 176:431-455
3. Bộ Y Tế, (2019) Quyết định số 3705/QĐ-BYT. “Quyết định về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue”.
4. WHO (2017). Dengue and severe dengue.
5. Nguyễn Thị Trà My, Ngô Văn Phương, Lê Văn Tuấn (2023). “Đặc điểm dịch tễ học và sự lưu hành của các type huyết thanh vi rút Dengue gây bệnh sốt xuất huyết tại tỉnh Đắk Lắk năm 2020”. Tạp chí Y Dược học Cần Thơ.
6. San Martín JL, Brathwaite O, Zambrano B, et al (2010). “The epidemiology of dengue in the americas over the last three decades: a worrisome reality”. Am J Trop Med Hyg, 82(1):128-35.
7. Nguyễn Mạnh Hùng (2018). “Nghiên cứu sự lưu hành các type vi rút dengue và mối liên quan đến một số đặc điểm dịch tễ của bệnh nhân sốt xuất huyết dengue tại Hà Nội, năm 2015-1017”. Luận văn bác sĩ chuyên khoa II. Đại học Y Hà Nội.
8. Fried JR, Gibbons RV, Kalayanarooj S, et al (2010). “Serotype-specific differences in the risk of dengue hemorrhagic fever: an analysis of data collected in Bangkok, Thailand from 1994 to 2006”. PLoS Negl Trop Dis, 4(3):e617