ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG CỦA BỆNH VIÊM MŨI XOANG MẠN TÍNH Ở NGƯỜI LỚN TẠI BỆNH VIỆN TAI MŨI HỌNG TRUNG ƯƠNG

Đỗ Hoàng Quốc Chinh1, Nguyễn Thị Khánh Vân2,
1 Trường Đại học Y Hà Nội
2 Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Mục tiêu: Mô tả đặc điểm lâm sàng của bệnh viêm mũi xoang mạn tính ở người lớn tại bệnh viện tai mũi họng trung ương. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên các bệnh nhân trên 18 tuổi được khám và chẩn đoán là viêm mũi xoang mạn tính tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung Ương trong khoảng thời gian từ tháng 9/2023 đến tháng 1/2024. Kết quả: Nhóm tuổi từ 31-45 tuổi chiếm tỉ lệ cao nhất (40,4%), ít gặp nhất ở nhóm tuổi ≥60 (6,4%). Độ tuổi trung bình là 37,8 ± 10,6. Tỷ lệ bệnh nhân nam/nữ là 1,1/1 (nam: 53,2%, nữ: 46,8%). Phần lớn bệnh nhân (63,8%) có thời gian mắc bệnh từ 1-3 năm. Chảy mũi gặp ở 100% các bệnh nhân trong nghiên cứu. Tiếp theo là ngạt mũi gặp ở 42/47 bệnh nhân, chiếm tỷ lệ 89,4%. Rối loạn ngửi gặp ít nhất ở 20 bệnh nhân, chiếm tỷ lệ 42,6%. Ho là triệu chứng phụ phổ biến nhất với 55,3% bệnh nhân mắc phải, tiếp theo là rối loạn giấc ngủ và hơi thở hôi với tỷ lệ lần lượt là 40,4% và 27,7%. Chảy mũi sau chiếm tỷ lệ cao nhất với 76,6% bệnh nhân. Tính chất chảy mũi mủ đục gặp ở 24 bệnh nhân chiếm tỷ lệ 51,1%.  Kết quả cho thấy ngạt mũi 2 bên là chủ yếu với 90,5%. Đa số bệnh nhân (40/42) ngạt mũi từng lúc, chiếm tỷ lệ 95,2%. Có 2 bệnh nhân ngạt nặng, liên tục chiếm tỷ lệ 4,8%. Kết luận: Chảy mũi (100%) và ngạt mũi (89,4%) là hai triệu chứng chính và phổ biến nhất ở bệnh nhân viêm mũi xoang mạn tính. Tính chất chảy mũi mủ đục (51,1%) chiếm phần lớn. Ngạt mũi chủ yếu là từng lúc, 2 bên và ở mức độ trung bình.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Fokkens WJ, Lund VJ, Hopkins C, et al. (2020), European Position Paper on Rhinosinusitis and Nasal Polyps 2020, Rhinology.
2. Đàm Thị Lan (2013), Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và đánh giá kết quả điều trị viêm mũi xoang mạn tính người lớn không có polyp mũi theo EPOS 2012, Luận văn Thạc sỹ Y học, Trường Đại học Y Hà Nội.
3. Nguyễn Thái Dương (2022), Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh viêm mũi xoang mạn tính có quá phát mỏm móc được phẫu thuật nội soi tại bệnh viện Tai Mũi Họng Cần Thơ năm 2018-2020, Tạp chí Y học Việt Nam,514, tr.127-129.
4. Võ Thanh Quang (2004), Nghiên cứu chẩn đoán và điều trị viêm đa xoang mạn tính qua phẫu thuật nội soi chức năng mũi – xoang, Luận án Tiến sỹ Y Học, Trường Đại học Y Hà Nội
5. Bhattacharyya N (2006), Clinical and symptom criteria for the accurate diagnosis of chronic rhinosinusitis, Laryngoscope 2006; 116:1-22.
6. Kountakis and Ling (2007), Important Symptoms of chronic Rhinosinusitis, Laryngoscope 117 June 2007: 1090-1093.
7. Roger Jankowski et al (2019), Chronic rhinosinusitis of adults: new definition, new diagnosis, Rev Prat Mar;69(3):274-278.
8. Trịnh Thị Hồng Loan (2003), Viêm mũi xoang mạn tính và hiện tượng kháng kháng sinh hiện nay, Luận văn tốt nghiệp Bác sỹ đa khoa, Trường Đại học Y Hà Nội.
9. Kaliner, M.D. Michael A (2007), Chronic Rhinosinusitis patterns of Illness, Chronic Rhinosinusitis: Pathogens and Medical Management, p:1-16.